Chương 2: Chúa Nam Đường trả lời ngỗ nghịch Vua Thái Tổ ngự giá thân chinh
Bấy giờ Triệu Khuông Dẫn nối ngôi Châu Hậu chúa nhường cho, cải tên nước là Đại Tống, xưng hiểu là Thái Tổ, đánh đông dẹp tây, gom về một mối, các vua nước nhỏ đều đầu hàng cống sứ. Ngày nọ, vua Thái Tổ ăn lễ mừng thọ, bá quan đều dâng lễ chúc mừng. Các nước gần xa đều sai sứ đem lễ vật đến bái kiến. Vua Tống Thái Tổ rất vui truyền dọn yến thết đãi. Giữa tiệc, vua Thái Tổ uống ba tuần rượu rồi phán:
- Nay trẫm đã năm mươi tuổi thọ, các nơi đều dâng lễ, trong ngoài đều một lòng, duy có Lý Cảnh ở Kim Lăng, ỷ mình ở nơi hiểm hóc, khinh rẻ nước ta, đã không cho người đến viếng, cũng chẳng chúc mừng. Các quan nghĩ thế nào? Quan Binh Bộ Thượng Thơ là Phan Mỹ tâu:
- Tôi nghe Lý Cảnh chiêu hiền đãi sĩ, tích thảo đồn lương, chắc là có ý làm phản. Nay các nước nhỏ đều về chầu cống lễ, chúc thọ bệ hạ. Nam Đường có chúa, coi Đại Tống không người, sẵn dịp này vấn tội Kim Lăng là điều chính đáng. Vua Thái Tổ chưa kịp nói thì Quân sư Miêu Huấn tâu:
- Tội Nam Đường đáng trách nhạt, nhưng nay thiên hạ theo phò, giá một khoảng Giang Nam chống trời sao nổi. Xin Bệ hạ xuống chiếu trách phạt vua Lý Cảnh làm nhục triều đình. Nếu Nam Đường biết lỗi, dâng thơ chịu tội thì tha. Như vậy cũng rõ lòng nhân của Bệ hạ. Vua Thái Tổ phán:
- Trẫm cũng thuận lòng trời, không ưa sát phạt, vậy thì khanh thảo một lời hịch cho sứ cầm đến Nam Đường. Mãn tiệc bá quan ai về dinh nấy. Hôm sau, Miêu Huấn thảo xong tờ hịch dâng lên cho vua xem. Vua Thái Tổ bằng lòng, đóng ấn rồi sai khâm sai đem qua cho Lý Cảnh. Ngày nọ vua Nam Đường đang ngự, bỗng có quân vào báo:
- Vua Tống sai sứ đem thơ, xin vào ra mắt. Vua Nam Đường đòi vào.
Khâm sai đang hịch trước sân chầu, vua Nam Đường mở ra xem, thấy tờ hịch viết như sau: "Xưa nhà Đường còn suy yếu, khiến nước chia năm, sau nhà Châu hưng thịnh cũng khó bề thâu về một mối. Nay nước ta vua nhân, tôi sáng, đổi họa làm an, cứu dân trong nước lửa, đức bủa khắp non sông, trăm hộ đội ơn, bốn phương mến đức. Nước ngươi là Nam Đường, trộm xưng đế hiệu, chúa ta là Đại Tống, muốn đem binh vấn tội bấy lâu, song trước phải dạy khuyên chớ chưa vội trừng phạt, kém việc nhơn từ. Nay đem bút mực mà khuyên, ngõ vẹn bề hòa hảo. Vua Nam Đường có lẽ tai từng nghe, mắt đã từng thấy những gương xưa, bởi vì trời không có hai mặt nhựt, nước không dễ có hai vua. Người sáng thấy họa khi chưa bay mùi, kẻ trí lánh nạn khi chưa có cớ. Cho nên Vi Tứ bỏ nhà Thương mà chịu chức nhà Châu, A Đẩu dâng nước Thục mà làm quan nước Tấn. Vua Nam Đường cũng nên bắt chước theo, thì bình an một nước êm ái muôn dân, kẻ làm ruộng không bỏ đồng, người đi buôn không bỏ chợ, yên nhà, là nước, không tổn tướng hao binh. Nêu chấp nhất chẳng suy thì ngọc đá cháy tiêu, binh Tống đến thành thì nước nhà lật úp; không kịp trở tay, ăn năn thì đã muộn. "
Vua Nam Đường giật mình, mời triều thần bàn luận. Dư Hồng xem tờ hịch giận lắm, nói:
- Ngòi bút kẻ nho tuy sắc sảo, song ta lương đủ, binh ròng, có sợ gì chúng nó. Nói rồi lấy bút viết một bài thơ đằng sau tấm hịch rằng: "Nam Đường nối nghiệp của tiền Đường, Hẳn muốn đem binh đánh Biện Lương, Trí sẵn Tôn Ngô, thông chiến trận, Mạnh thêm La Tiết giới cung thương, Trói mèo Hoài Đức chiêng chưa gióng, Bắt sống Tam Xuân ná chưa giương, Sớm biết mạng trai âu cống lễ, Kẻo lâm rìu búa thấy Diêm Vương. " Ở dưới ký tên: "Đại Đường Hoàng Đế chính tông gởi cho Tống Đế thâu khán. " Khâm sứ lãnh hịch đem về dâng cho Tống Thái Tổ. Tống Thái Tổ xem hịch nổi giận vỗ bàn hét:
- Nam Đường quả thật to gan, lớn mật! Lý Cảnh thật có bụng khinh người. Ta đã dung cho nó một vùng đất ở an, vì thương đến muôn dân lê thứ. Nay nó đã bày lời phản nghịch, dung tha thì các nước chê cười. Nó đã dám nói như vậy thì chắc còn dám làm nhiều việc đối nghịch khác. Cỏ non chẳng nhổ, để lớn nhọc công, lửa đốm không dập tắt để nó bừng lên thì khó chữa. Nói rồi vua Tống hỏi các quan văn võ:
- Nay trẫm quyết đem quân phạt Nam Đường, làm cho Lý Cảnh vỡ mật mới vui lòng, chẳng hay chư khanh nghĩ thế nào? Đông Bình vương Cao Hoài Đức tâu:
- Quận Kim Lăng có tám mươi mốt châu, được bao nhiêu lương thực, còn các quan Nam Đường thì khoe môi hưởng lộc, khua miệng làm oai, nhỏ muốn cự to, yếu không nhường mạnh. Ấy là đi tìm tai họa, mang nạn vào thân. Không cần Bệ hạ phải nhọc sức, hạ thần chỉ xin mượn oai hùm cũng trừ đặng loài cáo. Vua Thái Tổ phán:
- Khanh luận bàn cũng phải, song trẫm mười tám năm cầm đao, cưỡi ngựa, xông pha chiến trận, nay Lý Cảnh khoe tài xấc láo, để quả nhơn ngự giá thân chinh, bắt sống nó mà rửa hờn. Trẫm đã có ý như vậy khanh chớ ngăn cản. Nay phong cho Đông Bình vương làm chức Chinh thảo Đại Nguyên Soái, Sử Khuê và Thạch Thủ Tín lãnh tả hữu tiên phong, Phùng Ích làm tham quan, Tào Bân, Phan Mỹ, Vương Ngạn Thăng, La Ngạn Oai làm phụ quân. Còn Quân sư Miêu Tùng Thiệu đi làm hộ giá. Vương Toàn Bân giải lương. Vậy các khanh ra công hợp lực đồng lòng trừ nghịch, thắng trận trở về trẫm sẽ luận công ban thưởng. Các quan văn võ đều tuân lệnh. Vua Thái Tổ ra lệnh bãi chầu. Hôm sau Thái Tổ nói với Hoàng đệ là Triệu Quang Nghĩa rằng:
- Ngự đệ ơi? Nay trẫm xuống Giang Nam phạt Lý Cảnh, giao nước lại cho Ngự đệ thay mặt triều đình, trẫm đi chừng một năm sẽ trở về. Triệu Quang Nghĩa vâng lời. Thái Tổ lại trình với Đỗ thái hậu mọi dự tính. Đỗ thái hậu nói:
- Hoàng nhi mười tám năm chinh chiến, nay lại hưng binh chinh phạt làm chi cho nhọc mình vàng. Cứ sai tướng đi đánh cũng đủ. Vả lại, cách hai đêm nay mẹ chiêm bao thấy một điều không tốt. Vua Thái Tổ hỏi:
- Chẳng hay mẫu hoàng thấy điềm gì? Đỗ thái hậu nói:
- Ta thấy Hoàng nhi leo lên cây lý rồi sút tay té xuống, năm con phụng từ trên trời bay xuống một lúc, xòe cánh mà đỡ. Sau đó ta giật mình thức dậy. Vậy lần này Hoàng nhi sai tướng thì hay hơn. Thái Tổ thưa:
- Xin Mẫu hậu đừng lo việc ấy, con từ mười sáu tuổi đã đạo khắp bốn phương, cả trong thiên hạ, từ Biện Lương đến Kim Lăng đi chừng bốn mươi ngày, chẳng xa xôi gì đó. Vả lại Mẫu hậu thấy điềm rất tốt. Con leo lên cây lý, mà lý là họ vua Đường, còn năm con phụng đỡ con, là có năm nữ tướng tài hoa giúp sức. Bấy lâu ở trong cung tù túng, nay con dạo ra ngoài cho thảnh thơi, huống chi thiên hạ mười phần đã thu hết tám, còn Kim Lăng là một khoảng núi non, lấy dễ như trở bàn tay. Nếu để nó ngáo nghịch thì các nước chê cười. Lẽ thường, trời không hai mặt, đất chẳng hai vua, xin Mẫu hậu cho con đi, nếu không ngự giá thân chinh thì tướng sĩ không hết lòng. Đỗ thái hậu biết tính Thái Tổ không ưa câu thúc, nên mỉm cười nói:
- Nếu Hoàng nhi muốn đi xin chớ ra trận, phải giữ mình làm trọng thì mẹ mới an lòng. Vua Thái Tổ vâng lời mẹ lui ra, về cung từ giã Hoàng hậu. Hoàng hậu biết không cản được vua, liền rót rượu tiễn hành cầu xin thắng trận. Lời bàn: Tranh chấp quyền thế là bản chất của loài người tạo ra chiến tranh, đánh giá lẫn nhau, từ xưa đến nay vẫn không tránh khỏi. Vua Thái Tổ mở tiệc mừng thọ, các nước đều đem lễ vật triều cống, vua nước Nam Đường không tham dự, làm cho vua Thái Tổ thấy bị mất danh dự trong thiên hạ.
Lời bàn: Ấy cũng chỉ vì tự xem mình là cao cả hơn mọi người. Bản tính tự cao tự phụ gây nên những tệ hại trong cuộc sống, làm tất cả những việc thiếu nhân tâm. Còn vua Nam Đường bị sỉ nhục không thể ngồi yên, thì do cũng chỉ là bị đụng chạm danh dự của mình. Cả hai đều từ bản chất tự cao tự phụ mà gây nên chiến tranh, giết hại lê dân. Nếu tính tự cao tự phụ mà ở trong một người thường thì tai hại bản thân không bao nhiêu, còn ở trong một ông vua thì tai hại cả đất nước.
-oOo-
Bình luận truyện